Vòng loại World Cup 2026: Sôi động châu Á
Châu Á có lẽ là khu vực hưởng lợi nhiều nhất khi FIFA mở rộng quy mô World Cup từ 32 lên 48 đội, với số lượng vé tăng gấp đôi.
Cuộc đua hấp dẫn
Cụ thể, số vé chính thức của châu Á tăng từ 4 lên 8, và số vé play-off được giữ nguyên là 1. Đây là khu vực có tỉ lệ tăng vé tham dự cao nhất. Số lượng vé tăng mạnh đã giúp phá vỡ những rào cản về thực lực.
Nhiều năm qua, bóng đá châu Á là cuộc chơi của 5 đại gia gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia và Úc. Khoảng cách giữa 5 đại gia này với phần còn lại từ Qatar, UAE, Bahrain cho đến Trung Quốc, Triều Tiên... là quá mênh mông.
Ở châu Âu hay Nam Mỹ, bất ngờ đôi lúc có thể xảy ra, nhưng châu Á là không thể. Trong 5 kỳ World Cup gần nhất, chỉ có Triều Tiên và Qatar là hai đội châu Á ngoài nhóm "big 5" này giành được vé tham dự. Còn trường hợp của Qatar vào năm 2022 là do lợi thế chủ nhà.
Diễn biến ở bảng C phản ánh rõ nét tính hấp dẫn của cuộc đua giành vé. Sau 4 vòng đấu, trừ Nhật Bản vượt trội với 10 điểm, 5 đội bóng còn lại có khoảng cách sít sao khi đội nhì bảng là Úc (5 điểm) chỉ hơn đội chót bảng Trung Quốc 2 điểm. Những bất ngờ cũng đã xuất hiện liên tục, như việc Indonesia cầm hòa cả Úc lẫn Saudi Arabia, và Bahrain thắng Úc ngay trận đầu tiên.
Lượt trận thứ 5 chính là thời cơ để nhóm chiếu dưới vươn lên khi Úc và Saudi Arabia phải chạm trán nhau, còn Bahrain - Trung Quốc cũng đối đầu trực tiếp. Indonesia dù phải tiếp Nhật Bản nhưng không loại trừ lối chơi tử thủ có thể mang đến một kết quả bất ngờ cho họ.
Thiệt thòi của các đội bóng lớn
Bất ngờ cũng đang manh nha ở các bảng đấu còn lại. Tại bảng A, Iran chễm chệ ngôi đầu với 10 điểm. Nhưng Uzbekistan cũng gây sốc với điểm số tương tự, bỏ xa UAE (4 điểm), Qatar (4 điểm), Kyrgyzstan (3 điểm) và Triều Tiên (2 điểm).
Ở vòng này, Qatar sẽ tiếp Uzbekistan, và đó là cơ hội để họ thắp lên hy vọng trở lại cuộc đua giành vé trực tiếp. Còn với Uzbekistan, một trận thắng nữa sẽ đưa họ tiến gần vé dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Đó là một cơn địa chấn thực sự bởi vùng Trung Á xưa nay vốn bị đánh giá khá thấp về trình độ bóng đá.
Bảng B tương đối ít bất ngờ khi bộ ba Hàn Quốc (10 điểm), Jordan (7 điểm) và Iraq (7 điểm) cho thấy sức mạnh vượt trội so với nhóm còn lại. Và ở lượt trận sắp tới sẽ diễn ra "chung kết sớm" giữa Jordan và Iraq.
Khi các cuộc đua căng thẳng đến vậy, một chút lợi thế cũng mang đến tác động đáng kể. Đến lượt trận tháng 11, các ngôi sao của Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Úc gặp trở ngại đáng kể khi trở về từ châu Âu. Như Son Heung Min, anh đã phải ra sân 11 lần cho Tottenham mùa này bất chấp chấn thương liên miên. Còn Lee Kang In thậm chí đã đá 15 trận cho PSG.
Trái lại, các cầu thủ Saudi Arabia và Qatar lại gặp vấn đề khác. Đã gần 2 năm kể từ khi xuất hiện làn sóng ồ ạt các ngôi sao thế giới đổ về Saudi Arabia, hầu hết các trụ cột của họ giờ đây phải vật lộn để chiếm suất đá chính tại CLB.
Như trường hợp của tiền vệ Nasser Al-Dawsari. Từng được đánh giá là tài năng trẻ chói sáng nhưng giờ đây Al-Dawsari chỉ là kẻ đóng thế cho hàng loạt siêu sao đang chơi bóng ở CLB Al-Hilal.
Việc hàng loạt ngôi sao của Saudi Arabia giờ đây không có nổi suất đá chính tại CLB gợi nhớ đến trường hợp mà Trung Quốc từng gặp trong quá khứ.
No comments