Hành trình đi 350km đến nơi đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu có gì đặc biệt?
Địa điểm tổ chức chính của Asiad 19 nằm tại thành phố Hàng Châu. Nhưng không phải tất cả các môn hoặc các nội dung đều diễn ra tại đây. Thay vào đó, các thành phố lân cận sẽ hỗ trợ công tác tổ chức.
Điều này là bình thường ở các kỳ đại hội thể thao quốc tế. Ngay cả tại SEA Games dù có quy mô không bằng Asiad hay Olympic, nhưng vẫn cần có sự tham gia của nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Asiad 19 có tổng cộng 6 thành phố tham gia tổ chức. Ngoài Hàng Châu là nơi tập trung nhiều môn nhất, những nơi còn lại gồm có Ninh Ba, Ôn Châu, Hồ Châu, Thiệu Hưng, Kim Hoa. Tất cả những thành phố này đều thuộc tỉnh Chiết Giang.
Tuyển nữ Việt Nam thi đấu ở nơi xa nhất
Những địa điểm kể trên đa số chỉ cách Hàng Châu khoảng 50 - 60km. Việc di chuyển đến các địa điểm thi đấu trong các vùng Ninh Ba, Hồ Châu, Thiệu Hưng, Kim Hoa vì vậy tương đối dễ dàng. Nếu đi theo xe buýt dành riêng cho phóng viên do ban tổ chức sắp xếp chỉ mất từ 30 phút đến 1 tiếng.
Nhưng riêng Ôn Châu lại là chuyện khác, bởi nơi đây cách Hàng Châu tới 350km. Đây lại là địa điểm thi đấu của hầu hết các bảng đấu của môn bóng đá nữ. Bảng duy nhất đá ở Hàng Châu là bảng A, nơi có sự góp mặt của chủ nhà Trung Quốc.
Tại Ôn Châu, có hai sân dùng để phục vụ môn bóng đá nữ là sân Trung tâm Thể thao Olympic Ôn Châu và sân Trung tâm Thể thao Ôn Châu.
Tuyển nữ Việt Nam nằm tại bảng D cùng với Nhật Bản, Nepal, Bangladesh. Cả 3 trận vòng bảng của đoàn quân HLV Mai Đức Chung đều diễn ra trên sân Trung tâm Thể thao Olympic.
Từ ngày 19-9, tuyển nữ Việt Nam đã có mặt tại Ôn Châu để chuẩn bị cho Asiad 19. Hành trình của họ xuất phát từ Hà Nội, bay sang Quảng Châu. Sau đó, họ tiếp tục bay thêm một chuyến để đến được Ôn Châu.
Đi 350km chỉ mất... 2 tiếng
Do quãng đường lên đến 350km nên ban tổ chức Asiad 19 không thể bố trí xe riêng để chở phóng viên đến sân. Thay vào đó, phương tiện di chuyển được sử dụng là tàu điện.
Trước khi lên đường, các phóng viên Việt Nam đã tìm hiểu thông tin về cách đi Ôn Châu. Những thông tin về số tàu, giờ tàu chạy hay giá vé đều khá đầy đủ. Nhưng gần như ai cũng có những nỗi lo nhất định.
Tại Trung Quốc, việc mua vé tàu xe khá phức tạp bởi người dân ở đất nước này thường sử dụng các ứng dụng (app) do các công ty trong nước phát triển. Thông thường trên các ứng dụng này rất ít tiếng Anh nên việc sử dụng là không dễ với các phóng viên Việt Nam.
Rất may, ban tổ chức Asiad 19 đã tính toán khá chu đáo. Theo đó, họ tạo mã QR để phóng viên có thể lên đăng ký thông tin. Sau đó, ban tổ chức tập hợp danh sách và cung cấp vé tàu điện miễn phí.
Các phóng viên chỉ cần ra ga Đông Hàng Châu đúng giờ là sẽ có tình nguyện viên dẫn đường. Một ấn tượng với ga Hàng Châu là trông như một nhà ga... sân bay. Thật vậy, sảnh chờ tàu khá lớn, được chia thành nhiều khu vực chờ được đánh số khác nhau. Lực lượng an ninh cũng tiến hành soi chiếu hành lý rất kỹ.
Tại Asiad 19, các phóng viên luôn được tạo điều kiện tốt nhất để tác nghiệp. Vì vậy mà đến giờ lên tàu, chúng tôi được hẳn một bạn tiếp viên dẫn đường ra đến tận nơi. Thậm chí, nhóm phóng viên còn được qua làn ưu tiên để không phải xếp hàng dài chờ soát vé.
Thời gian di chuyển cũng rất nhanh. Quãng đường lên đến 350km chỉ mất khoảng 2 tiếng 10 phút di chuyển. Tốc độ tàu có lúc đạt đến 303 - 304km/h. Khi đến nơi, chúng tôi một lần nữa có người đưa đón và được đi vào làn ưu tiên.
Nhìn chung, ban tổ chức Asiad 19 đã có sự chuẩn bị chu đáo cho kỳ đại hội lần này. Do đó mà việc di chuyển của cánh phóng viên, nhà báo không gặp khó khăn dù địa điểm thi đấu các môn cách xa nhau.
No comments