Chuyển đổi số (CĐS) đã chứng minh là giải pháp - liều thuốc tiên giúp các tổ chức, ngành nghề tồn tại và phát triển bền vững trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ vấn đề nan giải tồn tại từ nhiều năm trước, đó là lỗ hổng nguồn nhân lực số.

Thiếu lượng và kỹ năng

Khi còn là Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc từng nhấn mạnh thiếu công nghệ thì có thể mua nhưng về quản trị và nguồn nhân lực thì khó có thể khỏa lấp, đây chính là lỗ hổng lớn nhất của nền kinh tế nước ta.

TS Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, đánh giá nguồn nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ các chương trình CĐS. Dự báo đến năm 2023, toàn ngành sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu lao động. 

Bà Stephanie Davis, Phó Chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Vấn đề nhân lực của Việt Nam không phải về năng lực mà là về số lượng". Theo bà, Việt Nam cần đào tạo nhiều nhân lực hơn với những kỹ năng phù hợp. Hiện cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực số ngày càng nhiều, trong khi lực lượng lao động cung ứng lại thiếu nghiêm trọng. 

Theo báo cáo năm 2022 của Công ty TopCV, chuyên về lĩnh vực tuyển dụng nhân sự công nghệ ở Việt Nam, nhân sự công nghệ thông tin luôn nằm trong Top 3 vị trí được săn tìm trong năm 2022. Tình hình "khát" nhân lực số, đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực tiến tới xây dựng xã hội số và kinh tế số, vẫn tiếp tục căng thẳng.

Vá lỗ hổng nhân lực số - Ảnh 1.

Sinh viên học tập trong môi trường đa văn hóa, giao lưu trực tuyến với sinh viên quốc tế của chương trình “Hạt giống cho tương lai”. Ảnh: HUAWEI VIỆT NAM

Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nêu rõ: "Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số". Trong một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển xã hội số, Thủ tướng yêu cầu: "Thúc đẩy CĐS xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS, hình thành văn hóa số".

Thực hiện nhiều chương trình đào tạo

Để vá lỗ hổng về nhân lực số, nhiều chương trình, dự án đào tạo nhân lực số đã được các tập đoàn công nghệ lớn quốc tế hợp tác thực hiện ở Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Intel, Microsoft, Google, Samsung, Huawei… vẫn kiên trì với những dự án, chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng; tổ chức những cuộc thi kích thích tình yêu khoa học nơi giới trẻ để phát hiện, nuôi mầm nhân tài số. Đa số các cuộc thi này dựa trên phương pháp giáo dục STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học) nhằm khuyến khích các em học sinh ứng dụng các kiến thức trong lĩnh vực khoa học - công nghệ để góp phần xử lý những vấn đề của địa phương, cộng đồng. 146 sinh viên công nghệ giỏi của Việt Nam đến từ các trường đại học trên cả nước như Bách khoa Hà Nội, Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), FPT và các học viện: Công nghệ Bưu chính Viễn thông, An ninh Nhân dân, Cảnh sát Nhân dân... đã nhận được học bổng và tham gia khóa đào tạo từ chương trình "Hạt giống cho tương lai" của Tập đoàn Huawei Việt Nam qua 7 mùa từ năm 2015 đến 2022.

Chương trình này năm 2023 tuyển chọn 40 sinh viên xuất sắc để cùng khám phá những tiến bộ công nghệ mới nhất của 5G, AI, Cloud, IoT... và lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia quốc tế trong ngành thông qua nền tảng học tập trực tuyến Seeds Academy từ ngày 21 đến 28-8.

Suốt từ năm 2012 đến nay, các đội học sinh THPT của Việt Nam đều có mặt tại Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế (ISEF) do Hội Khoa học Mỹ tổ chức. Vòng thi cấp quốc gia ở Việt Nam gọi là ViSEF do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mỗi năm một lần dành cho học sinh THPT toàn quốc từ lớp 8 đến lớp 12. Trong những năm tham gia ISEF cấp quốc tế tổ chức ở Mỹ từ năm 2012 đến nay, các đội Việt Nam năm nào cũng đoạt giải. Mới nhất là tại Hội thi Regeneron ISEF 2023 tổ chức tại Dallas (Mỹ) vào tháng 5, Việt Nam có 7 dự án tham dự và 2 dự án đoạt giải.

Năm 2023 là năm thứ 5 cuộc thi Kiến tạo tương lai - Solve for Tomorrow (SFT) được Samsung tổ chức tại Việt Nam nhằm chung tay bồi dưỡng nhân tài công nghệ. Chương trình đem đến cho học sinh THCS, THPT cơ hội ứng dụng kiến thức giáo dục STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học), nuôi dưỡng năng lực tiếp cận công nghệ, sáng tạo giải pháp để giải quyết các vấn đề của xã hội.

Ngoài ra, Samsung Việt Nam triển khai dự án Phát triển nhân tài công nghệ (SIC) dành cho học sinh - sinh viên và giáo viên trên toàn quốc. Sau 5 năm triển khai dự án, SIC cũng đã mang các khóa học C&P, AI, Big data, IoT... đến 6.021 học viên và 389 giáo viên tại 40 trường học ở 20 tỉnh, thành. 

Khẳng định vị thế về phát triển ứng dụng

Bà Emily Nguyễn, Giám đốc kinh doanh Gaming & Apps cho thị trường Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ: "Think Apps 2023 là sự tiếp nối cho cam kết mạnh mẽ của chúng tôi đối với việc nuôi dưỡng thế hệ nhà phát triển ứng dụng trẻ và tài năng và các studio mới nổi thông qua việc cung cấp các tài nguyên đào tạo kiến thức chuyên môn quốc tế và báo cáo chuyên sâu mới nhất về thị trường". Ngành ứng dụng và game tại Việt Nam đang khẳng định vị thế của mình ở quốc tế. Theo báo cáo của DataAI & AppMagic, từ năm 2019 đến quý 1/2023, Việt Nam đã nhảy vọt từ Top 15 lên Top 5 trên toàn cầu về lượt tải ứng dụng, tương ứng với con số 4,2 tỉ lượt tải của các ứng dụng do các nhà phát triển ứng dụng Việt Nam phát hành.

Anh Phúc