Đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Chiều 14-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023. Diễn đàn có chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", với mục đích gắn việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Chuyển đổi nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh"
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, công bố tháng 11-2021, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như rô-bốt, sản xuất đắp lớp 3D.
Báo cáo của CSIRO và Bộ Khoa học - Công nghệ, công bố tháng 3-2021, cho thấy chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; tỉ lệ DN có R&D (nghiên cứu và phát triển) trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: Thiết bị điện 17%, hóa chất 15%, chế biến thực phẩm 9%, sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, da và sản phẩm có liên quan 6%, dệt may 5%.
Như vậy, có thể thấy phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, khó khăn và thách thức đan xen. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng "Make in Vietnam".
Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thế giới đang thay đổi nhanh chóng, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của phát triển bền vững, là mục tiêu quan trọng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bối cảnh này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình phát triển mới, phải có bước đi đột phá, tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với tình hình mới, tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trọng tâm là chuyển đổi số; đồng thời chuyển đổi nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh" vì mục tiêu phát triển bền vững. Bước chuyển mình đó có thể được coi như là một sự "chuyển đổi kép", kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nói chung và từng khu vực kinh tế nói riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng triển lãm tại diễn đàn Ảnh: NHẬT BẮC
Tạo đột phá rút ngắn quá trình CNH-HĐH
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa tổng thể, vừa bao trùm. Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển mà trước hết không ngừng nỗ lực nhằm tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của thời đại số, tăng trưởng xanh.
Theo Thủ tướng, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình CNH-HĐH đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH-HĐH.
Thủ tướng đề nghị cần thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Triển khai tích cực, hiệu quả các nội dung của Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác quốc tế, tận dụng tối đa hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính, coi JETP là giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam; thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tiến tới giảm và cân bằng phát thải theo các cam kết của Việt Nam tại COP26, COP27.
"Cần xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường.
Thủ tướng cho rằng nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Do đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy từ quản lý sang kiến tạo phát triển, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với tầm nhìn, chiến lược dài hạn để dẫn dắt, định hướng phát triển.
Trang Rao Vat
No comments