SEA Games trong mắt tôi: Bạo lực vì không biết chấp nhận thất bại
Tất nhiên, trong bất kỳ trận cầu chung kết nào cũng sẽ có đội giành chiến thắng theo quy định và luật chơi. Trong trận đấu này, Indonesia đã giành huy chương vàng nhưng cảm xúc người xem không nằm ở đó, mà cảm thấy thất vọng vì những gì hai đội đã thể hiện. Đó chính là thứ bóng đá nhuốm màu bạo lực.
Thể thao - nghệ thuật là những môn có thể giáo dục con người tình yêu, sự nỗ lực, truyền cảm hứng sống tích cực. Trong đó, thể thao giúp người ta hưng phấn ở chính mỗi trận đấu và quan trọng hơn, là tinh thần kiên cường không gục ngã của vận động viên.
Ở SEA Games 32, có nhiều bài học về chiến thắng, chiến bại, nước mắt, nụ cười… nhưng với cuộc ẩu đả quá xấu xí của trận chung kết bóng đá nam, nó trở thành câu chuyện buồn về việc rèn luyện, tính chuyên nghiệp của những người được xem là cầu thủ, đại diện quốc gia thi đấu trong một giải lớn nhất khu vực.
Tại sao cầu thủ lại thiếu kiềm chế như vậy nếu chẳng phải vì họ thiếu trau dồi kỹ năng ứng xử, quá đam mê chiến thắng mà bất chấp hậu quả mình có thể tạo ra bằng những cú va chạm đầy bạo lực?
Thi đấu, cố nhiên, ai cũng mong mình đạt thành tích cao nhất, nhưng nó phải đến từ thực lực. Chơi xấu, bạo lực hay không tuân thủ các nguyên tắc, nội quy ban tổ chức… đều là những hành động cần tẩy chay, loại bỏ trong thể thao.
SEA Games là dịp để vận động viên các nước ASEAN có dịp cọ xát nhằm phát triển năng lực thi đấu, nâng mình lên vị thế mới, phát hiện tài năng và khích lệ tinh thần thể thao cho người dân các nước… Do vậy, những chiến thắng là tự hào (đương nhiên), song thất bại cũng không nên trở thành điều đáng hổ thẹn.
Một cá nhân, một tập thể khi hành xử không đẹp trên sân bóng, đường đua, sàn đấu thì đã thất bại trong chính mắt nhìn của công chúng vì thiếu tính chuyên nghiệp, phi thể thao.
Đội bóng nam của Việt Nam không vào chung kết, không giành được ngôi vô địch như kỳ vọng, mong ước của cổ động viên, nhưng thật vui vì vẫn giữ được sự lịch lãm đáng quý của những chàng trai biết ứng xử đẹp.
Trong hoài niệm về SEA Games 32, người ta có thể sẽ nhớ rất lâu một trận cầu xấu xí. Bởi cái xấu vốn khó phai. Do vậy, có thể nói, thể thao trước hết phải đẹp để không trở thành bàn tán, chê bai trong "trà dư tửu hậu" của khán giả.
Đẹp trong thi đấu cũng là cách thắp ngọn lửa yêu thể thao trong mỗi người dân bình thường, để tivi bật lên không chứa năng lượng thắng thua, tiêu cực. Đó cũng là cách tri ân người hâm mộ!
No comments