Breaking News

HLV Hoàng Anh Tuấn: Ai cũng có quyền mơ đến World Cup

HLV Hoàng Anh Tuấn thường thành công với bóng đá trẻ - Ảnh: VFF

HLV Hoàng Anh Tuấn thường thành công với bóng đá trẻ - Ảnh: VFF

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ về cảm xúc của mình khi dẫn dắt tuyển U20 Việt Nam ở VCK U20 châu Á 2023:

- Đó là cảm xúc tiếc nuối khi chúng ta có màn trình diễn tốt ở hai trận đầu tiên trước Úc và Qatar để lấy trọn 6 điểm.

Tiếc nuối khi U20 Việt Nam không vào được vòng đấu loại trực tiếp chỉ là một phần.

Tiếc nuối lớn nhất là cầu thủ không được đá ở những trận đấu loại với đối thủ mạnh để có thêm trải nghiệm. Nói vậy bởi dù thắng dù thua, các cầu thủ trẻ Việt Nam cũng sẽ có thêm kinh nghiệm rất tốt cho tương lai.

Bóng đá Việt Nam trong đó có các đội V-League hãy nghĩ tới việc làm được cái sân tốt để đá tử tế. Đội chính không có cái sân đàng hoàng thì đội trẻ làm sao có để tập luyện

HLV Hoàng Anh Tuấn

Cầu thủ trẻ gặp khó vì mô hình tháp ngược

* Ông đánh giá thế nào về bóng đá trẻ Việt Nam sau thời gian gắn bó với các đội trẻ quốc gia?

- Tài năng bóng đá Việt Nam không thiếu. Nhưng thiếu ở cách làm, nó không có đồng bộ trên diện rộng, khi chỉ tập trung vào một số địa phương hoặc trung tâm. Đó cũng là thiệt thòi cho các cầu thủ trẻ, vì họ không có những sân chơi, môi trường tập luyện để nâng cao khả năng chuyên môn của mình.

* Bóng đá trẻ Việt Nam thường chơi tốt ở sân chơi châu lục. Nhưng lên cấp độ đội tuyển quốc gia thì lại không tốt. Vì sao?

- Đầu tiên là đầu tư không đúng mức từ CLB. Có thể thấy điều này ở hệ thống giải vô địch quốc gia (VĐQG) khi Giải hạng nhất 2023 chỉ có 10 đội, còn V-League 2023 thì 14 đội. Với hình tháp ngược này, cầu thủ trẻ ít được thi đấu ở giải VĐQG thì làm sao phát triển tốt được để cống hiến cho đội tuyển quốc gia.

Ở các nước tiên tiến, cầu thủ mỗi năm đá 30-40 trận. Còn cầu thủ Việt Nam mỗi năm đá được 26 trận ở V-League, cộng thêm vài trận nữa ở Cúp quốc gia thì làm sao đủ kinh nghiệm thi đấu. Đã vậy, các cầu thủ trẻ lại hiếm khi được ra sân. 

Như đội trưởng U20 Việt Nam - tiền vệ Khuất Văn Khang không được CLB Viettel đăng ký thi đấu trong 4 trận đầu tiên ở V-League 2023. Vì vậy, khi lên đội tuyển quốc gia, họ thua thiệt hơn đội tuyển các nước khác là chuyện đương nhiên.

Kế đến, bóng đá cần thể chất và thể hình. Nhưng cầu thủ Việt Nam không có hai điều này và đó là sự thua thiệt. Cầu thủ Việt Nam bộc lộ sự nhanh nhẹn, khéo léo rất sớm nên khi thi đấu quốc tế ở các cấp độ U15, U17, U19 khoảng cách về trình độ không lớn. Nhưng ở cấp độ lớn hơn thì khoảng cách giữa cầu thủ Việt Nam với các nước bắt đầu có sự chênh lệch rất lớn.

HLV Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: VFF

HLV Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: VFF

 * Ông có gợi ý gì để cầu thủ trẻ Việt Nam có thể được thi đấu nhiều hơn để phát triển chuyên môn không?

- Thời gian qua, rất nhiều CLB không đủ tài chính để hoạt động, phải bỏ giải và giải tán đội bóng. Để phát triển chuyên môn của các cầu thủ trẻ, không có cách nào khác là phải có nhiều giải đấu dành cho các lứa U.

Nhưng không có nhà tài trợ thì làm sao tổ chức được nhiều giải đấu cho các cầu thủ trẻ thi đấu và cọ xát. Do đó, chúng ta phải ngồi lại, tìm ra phương án để làm sao có thêm những giải đấu trẻ để tăng số lượng trận đấu cho các cầu thủ trẻ. Thể thức thi đấu cũng phải thay đổi để làm sao các cầu thủ trẻ được đá nhiều hơn.

* Đã đi nhiều nước, ông thấy họ đào tạo thế nào, có khác nhiều với bóng đá Việt Nam không?

- Đầu tiên, họ hơn mình về cơ sở vật chất. Cái thiếu nhất của bóng đá Việt Nam là cơ sở vật chất. Ở đây, tôi không nói về sự hoành tráng mà chỉ nói về sự đầy đủ của sân bãi tập luyện, trang thiết bị.

Kế đến là HLV. Họ có những quy định đối với công tác đào tạo trẻ, chứ không phải như ở Việt Nam, ở V-League mới có quy định HLV phải có bằng A của AFC. 

Cụ thể, HLV đào tạo trẻ phải có chứng chỉ đào tạo trẻ ít nhất của liên đoàn cấp hoặc châu lục cấp để bổ nhiệm làm trưởng một tuyến trẻ hoặc một đội trẻ. Cụ thể ở Đức, HLV trưởng đội U19 hoặc U21 CLB phải có bằng HLV chuyên nghiệp.

Về giáo trình, phương pháp huấn luyện giờ đây đã được phổ cập trên thế giới. Vấn đề là HLV phải có kiến thức để thực hiện nó.

Các cầu thủ trẻ VN cần được tạo thêm điều kiện - Ảnh: VFF

Các cầu thủ trẻ VN cần được tạo thêm điều kiện - Ảnh: VFF

Cần cả bằng cấp lẫn kinh nghiệm

* Vậy theo ông, đào tạo trẻ cần HLV có bằng cấp hay cựu danh thủ giỏi?

- Ở các CLB nước ngoài, mỗi tuyến trẻ phải có yêu cầu về mặt bằng cấp. Ở các CLB này đều có các cựu danh thủ. Vì vậy, họ sẽ phối hợp với nhau bằng kinh nghiệm thi đấu thực tế và cả lý thuyết giảng dạy. Khi huấn luyện và đào tạo trẻ, bắt buộc phải có những HLV có chuyên môn để thị phạm cho cầu thủ.

* Từng cùng U20 Việt Nam dự World Cup U20 thế giới 2017, điều gì đọng lại trong ông nhiều nhất?

- Tôi có nhiều cảm xúc bởi ở đó, mọi thứ đều rất khác trong cung cách sinh hoạt, quản lý, tổ chức giải đấu... Ở đó, từ HLV, cầu thủ đến nhân viên trong đội đều được cư xử như những nhân vật quan trọng. Đó là điều vinh dự khi có mặt ở sân đấu tầm cỡ World Cup.

Kế đến là chuyên môn. Ở sân chơi châu lục, chúng ta chưa thể thấy được những nền bóng đá phát triển của thế giới. Nhưng khi đến World Cup, được thấy hoặc thi đấu với những đội bóng tốp đầu thế giới, mình học hỏi được rất nhiều về phương pháp huấn luyện, cách quản lý của họ.

* Người ta thấy ông với tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lẫn U22 Philippe Troussier trao đổi với nhau vừa qua. Câu chuyện là gì vậy?

- Do U20 Việt Nam tập luyện ngay sát đội tuyển U22 và đội tuyển Việt Nam nên chúng tôi cũng có trao đổi thông tin với nhau. Việc các cầu thủ U20 được gọi lên U22 chuẩn bị cho SEA Games 32 là điều tốt cho các cầu thủ trẻ vì sẽ giúp họ trưởng thành nhanh hơn.

Lứa cầu thủ U23 Việt Nam tham dự Doha Cup 2023 gần như là lứa tốt nhất hiện tại. Nhưng để thay đổi triết lý bóng đá thì cần thời gian. Trong khi đó, ông Troussier chỉ mới nắm đội chưa được bao lâu. Ai cũng chờ mong sự lột xác của U23 Việt Nam, chờ mong một kết quả tốt.

Nhưng tôi không nghĩ thế! U23 Việt Nam cũng có thể thất bại vì lứa cầu thủ này có thể thi đấu tốt với HLV tiền nhiệm, nhưng lại chơi không tốt dưới thời HLV Troussier. Điều này cũng bình thường. Điều quan trọng là chúng ta xem triết lý đó có phù hợp không rồi mới nghĩ đến chuyện tương lai.

* Ông nghĩ U22 Việt Nam sẽ thành công ở SEA Games 32?

- AFF Cup, Thái Lan còn đưa đội hình 2 thi đấu. Vậy thì chúng ta cứ loay hoay nghĩ đến việc giành HCV SEA Games làm gì. Theo tôi, nên bỏ tư duy đó đi.

* Mục tiêu tham dự World Cup thì sao?

- Dự World Cup là mục tiêu rất khó nhưng ai cũng có quyền ước mơ. Nhưng để đạt đến thành công như mong muốn thì đâu phải nói là làm được. Thực tế, khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam hiện tại với tốp đầu châu Á đã bắt đầu thu hẹp lại. Thể hiện như U20 Việt Nam vừa rồi ở VCK U20 châu Á 2023, chúng ta có quyền hy vọng!

Nhưng để thực hiện ước mơ thì phải làm nhiều thứ. Ngoài tài chính cho các cầu thủ đi tập huấn ở các nước tiên tiến, chính sách dinh dưỡng cho các cầu thủ phải được tiến hành. Hệ thống thi đấu phải thay đổi để cầu thủ được đá nhiều hơn và có trải nghiệm nhiều hơn để lên đội tuyển quốc gia đá tốt hơn.

Sau thành công ở các giải trẻ, tôi nghĩ việc chúng ta lạc quan hướng về đấu trường World Cup là có cơ sở.

HLV nhiều bằng cấp nhất Việt Nam

HLV Hoàng Anh Tuấn sinh năm 1968. Ông không chỉ có những chứng chỉ về thể lực, tâm lý đạt chuẩn châu Âu mà còn có bằng HLV chuyên nghiệp của FIFA - bằng cao cấp nhất trong giới bóng đá. Sau khi kết thúc cầm quân ở V-League 2013 cùng CLB Hải Phòng, HLV Hoàng Anh Tuấn về VFF làm đào tạo trẻ vào năm 2015 suốt từ đó cho đến nay.

No comments

Disqus Shortname

tctshop-vn
Rao Vat Cho Tot / Trang Rao Vat / Hoc Vien Toc Ha Noi