HLV Philippe Troussier: 'Tôi đến Việt Nam vì những thử thách'
Đó là chia sẻ của Huấn luyện viên Philippe Troussier trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền báo Tuổi Trẻ ngày 27-2.
Sau khi ký hợp đồng với VFF sáng 27-2, Huấn luyện viên Troussier sẽ là huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, U22 và U23 Việt Nam từ ngày 1-3-2023 đến 31-7-2026.
Tân Huấn luyện viên trưởng Philippe Troussier
* Trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam, cảm xúc của ông lúc này thế nào?
- Tôi rất tự hào và là vinh dự lớn lao khi được dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam.
Tôi rất hạnh phúc khi được quay trở lại Việt Nam sau 3 năm đã từng làm giám đốc kỹ thuật tại Trung tâm PVF và là Huấn luyện viên trưởng đội U19 Việt Nam.
Tôi thấy như mình được trở về nhà. Áp lực đương nhiên có nhưng tôi cũng cảm thấy rất nhẹ nhàng khi được ngồi ở đây, nắm giữ vị trí này.
Cầu thủ Việt Nam có chuyên môn tốt
* Quá trình đàm phán của ông với VFF đã diễn ra như thế nào, hai bên có gặp khúc mắc gì lớn?
- Hợp đồng của tôi với VFF về việc dẫn dắt đội tuyển U19 đã kết thúc cách đây 2 năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên tôi luôn duy trì mối quan hệ với VFF, đặc biệt là chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn. Năm 2022, ông Tuấn có mời tôi đến xem trận giao hữu giữa đội tuyển nữ Việt Nam và đội tuyển nữ Pháp khi đội đến Pháp tập huấn.
Khi đó tôi đã cùng ăn tối với ông Tuấn và Huấn luyện viên trưởng tuyển nữ Mai Đức Chung tại Paris.
Khi VFF và Huấn luyện viên Park Hang Seo không gia hạn hợp đồng, VFF đã liên hệ mời tôi làm Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam.
Ngày 31-1-2023, khi ông Park Hang Seo chấm dứt hợp đồng với VFF, đây cũng là thời điểm tôi và VFF chính thức thương thảo hợp đồng.
Quá trình đàm phán của tôi và VFF không gặp bất cứ khó khăn nào. Hiện tại tôi đã sẵn sàng cho nhiệm vụ của các đội tuyển quốc gia.
* Từng dẫn dắt 8 đội tuyển quốc gia trong đó có tuyển Nhật Bản, theo ông, khoảng cách của đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản có xa lắm không? Bóng đá Việt Nam có cơ hội tiến gần đến những nền bóng đá hàng đầu châu Á?
- Tôi tin trình độ của bóng đá Việt Nam sẽ tốt dần lên và có thể thu hẹp khoảng cách với những nền bóng đá hàng đầu châu Á. Nhật Bản, Hàn Quốc là hai nền bóng đá tiên tiến, hàng đầu châu lục và là hình mẫu để bóng đá Việt Nam có thể học hỏi.
Trong bóng đá, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản rất thân thiết, đặc biệt là mối quan hệ của chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn với chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật.
25 năm trước, khi mới đặt chân đến Nhật Bản, tôi thấy sự tương đồng với nền bóng đá Việt Nam hiện tại. Lúc đó Nhật Bản chỉ có một cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Dù vậy chúng tôi vẫn đoàn kết, xây dựng thành công đội tuyển Nhật Bản.
Các cầu thủ Việt Nam hiện tại cũng vậy, họ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn. Thông qua việc tập luyện, họ sẽ nhận ra được trình độ của mình và tiếp cận được với những nền bóng đá hàng đầu châu Á.
Kinh nghiệm làm việc của tôi trong thời gian dài ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.
Tôi sẽ tìm cách rút ngắn tối đa thời gian để cầu thủ và bóng đá Việt Nam có thể sớm tiếp cận với những nền bóng đá phát triển nhất châu lục.
* Theo ông, khó khăn lớn nhất của bóng đá Việt Nam để vươn lên tầm châu lục, góp mặt ở vòng chung kết World Cup 2026 là gì?
- Thành công của một đội tuyển chính là chiến thắng. Dù vậy đây là điều diễn ra cuối cùng. Để có chiến thắng cần xây dựng và đào tạo cầu thủ. Công việc đầu tiên của tôi là nhận diện tài năng, tuyển chọn cầu thủ, sau đó là đào tạo họ trong môi trường chiến thuật để họ phát triển.
Thường ví mình như nhạc trưởng trong một dàn nhạc giao hưởng, nhiệm vụ của tôi là phải làm thế nào để tìm được các nhạc công tốt nhất, trao nhiệm vụ, tạo môi trường thoải mái để họ tự tin trình diễn tốt nhất cái họ có.
Muốn thử thách với bóng đá Việt Nam
* Lãnh đạo VFF cho biết tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất khiến ông nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Vậy cái gì với ông là quan trọng nhất?
- Điều đó hoàn toàn chính xác, tài chính không phải vấn đề lớn nhất đối với tôi. Tôi thực sự rất mong muốn, hào hứng với công việc dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, nhất là sau 3 năm đã từng làm việc ở đây.
Tôi có thể khẳng định rằng tôi làm Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam không phải vì tiền. Tôi đến Việt Nam vì những thử thách mà bóng đá Việt Nam mang lại cho tôi.
Trong quá trình thương thảo, tôi và VFF không gặp vướng mắc nào về tài chính. VFF đưa ra một con số và tôi đồng ý ngay lập tức.
* Ít khi thắng Thái Lan, đội tuyển Việt Nam vì thế luôn khao khát vượt qua Thái Lan và thống trị Đông Nam Á, ông nghĩ gì về điều này?
- Trong bóng đá, quốc gia nào cũng muốn thống trị ngôi vị số 1 Đông Nam Á, đó chính là sự cạnh tranh. Và đây là động lực để cho bóng đá phát triển.
Nhưng khi nói đến mục tiêu World Cup, bóng đá Việt Nam không chỉ nói đến việc vượt qua Thái Lan mà phải nghĩ đến việc vượt qua những đội bóng hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Qatar, Saudia Arabia, Úc.
Nếu phải đưa ra lựa chọn thắng Thái Lan và không đi World Cup hay thua Thái Lan để có mặt tại World Cup, tôi nghĩ chúng ta đã có lựa chọn rồi.
Thích tự lái xe máy, ăn phở Việt Nam
* Đã từng có 3 năm sống và làm việc tại Việt Nam, điều gì ông thấy thú vị nhất?
- Điều tôi nhớ nhất về Việt Nam chính là văn hóa, bầu không khí mà đất nước của các bạn. Không biết rằng khi là Huấn luyện viên trưởng tôi còn có thể tự do, thoải mái làm những điều như trước đây mình thích không.
Tôi rất muốn tự lái xe máy đi ra đường, dừng ở một quán vỉa hè ngồi trên ghế nhựa và ăn những món bình dân. Tôi cũng rất thích ăn phở. Đây là những điều tôi luôn ghi nhớ, những trải nghiệm tôi chưa bao giờ quên.
Tôi đã lái xe máy ở Việt Nam, với điều kiện giao thông hiện nay thì nguy hiểm thật. Do vậy cần một số kỹ năng để đảm bảo an toàn.
* Ngồi ăn, uống cà phê ở Hà Nội khiến ông liên tưởng tới quê hương của mình, những quán cà phê ở vỉa hè Paris?
- Ngay ở giữa Hà Nội, tôi có thể cảm nhận sự hiện diện của văn hóa Pháp. Ví dụ như khi tôi đi mua bánh sừng bò, tôi thấy có sự tương đồng với khi tôi đang ở Pháp.
Từng có nhiều năm làm việc tại châu Phi, tôi thấy Việt Nam và một số nước châu Phi có sự tương đồng như: thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao, người dân thường có thói quen ăn uống ở vỉa hè.
Với mối quan hệ của tôi, trong quá trình dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, tôi có ý định đưa các đội tuyển quốc gia Việt Nam đến châu Phi tập huấn, thi đấu. Bóng đá Việt Nam muốn đến World Cup thì phải được đi nhiều, học hỏi nhiều điều từ đó rút ra kinh nghiệm cho chính mình.
* Có ai trong gia đình đến Việt Nam với ông trong hơn 3 năm tới?
- Gia đình chỉ có thể sát cánh bên tôi về mặt tinh thần, không có ai đến Việt Nam sống cùng trong thời gian tôi làm việc tại đây.
Do con của tôi đang trong độ tuổi đi học nên vợ tôi phải ở Pháp để chăm sóc chúng. Bọn trẻ rất buồn nhưng không sao, chúng tôi có thể thu xếp được vì thường xuyên kết nối qua điện thoại.
* Ngoài bóng đá, ông còn là chủ một trang trại trồng nho và sản xuất rượu vang. Ông có thể chia sẻ gì về đam mê này của mình?
- Gia đình tôi sở hữu một trang trại trồng nho. Dù vậy chúng tôi không trồng nho và sản xuất rượu để kinh doanh mà đó là một phần văn hóa, con người Pháp. Người Pháp quan tâm nhiều đến lịch sử, thổ nhưỡng và có thú vui tận hưởng cuộc sống thông qua rượu vang.
Rượu vang là cầu nối giữa con người. Khi uống rượu chúng ta có thể trò chuyện, thưởng thức đồ ăn ngon. Rượu cũng rất có ích trong bóng đá vì nó an ủi khi chúng ta thua và chúc mừng khi giành chiến thắng.
World Cup 2026 không nằm ngoài tầm với
Nhiệm vụ đầu tiên của Huấn luyện viên Philippe Troussier là dẫn dắt đội tuyển U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 32 vào tháng 5 tới.
Mục tiêu cao nhất trong nhiệm kỳ hơn 3 năm tại Việt Nam của ông là đưa đội tuyển quốc gia giành vé vào Vòng chung kết World Cup 2026.
Huấn luyện viên Troussier cho biết: "World Cup 2026 có 48 đội tham dự, điều này sẽ mở thêm cơ hội cho đội tuyển Việt Nam có thể giành vé tham dự giải đấu.
Đây là mục tiêu sau cùng nhưng cũng đầy tham vọng của tôi, dù vậy nó không nằm ngoài tầm với. Tôi sẽ củng cố và nâng cao vị trí hiện tại của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế".
No comments