Tìm cơ chế 'xanh hóa' sân Mỹ Đình
* Vừa qua Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu bộ tiến hành rà soát các cơ sở vật chất của thể thao, nhất là các cơ sở thuộc quyền quản lý của bộ, đồng thời đề xuất các giải pháp. Việc này đã được bộ thực hiện như thế nào?
- Bộ đã khẩn trương chỉ đạo Tổng cục Thể dục thể thao tổng rà soát, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình phục vụ thể thao do bộ quản lý (trong đó có Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình). Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng trong tháng 1-2023 với những nội dung chính gồm thực trạng cơ sở vật chất, các hoạt động, các hạn chế và xuống cấp (nếu có), đồng thời đề xuất biện pháp giải quyết.
Dự án nâng cấp sân Mỹ Đình không gồm mặt cỏ
* Thời gian qua câu chuyện xuống cấp của sân Mỹ Đình được dư luận, báo chí nêu lên rất nhiều. Ông có thể thông tin cụ thể về hiện trạng xuống cấp của sân sau 20 năm đưa vào sử dụng?
- Công trình sân Mỹ Đình nằm trong tổng thể Khu liên hợp thể thao quốc gia (gồm sân vận động trung tâm và cung thể thao dưới nước và một số hạng mục phụ trợ khác) được bàn giao và đưa vào sử dụng năm 2003 phục vụ SEA Games 21 tại Việt Nam.
Sau 20 năm hoạt động, năm 2022, sân Mỹ Đình mới trải qua đợt tu sửa, nâng cấp lớn để phục vụ SEA Games 31. Hằng năm, công trình cũng đã được duy tu, bảo dưỡng nhưng ở quy mô nhỏ, kinh phí thấp, các công việc nâng cấp, chỉnh trang sân Mỹ Đình năm 2022 nằm trong dự án cải tạo nâng cấp Khu liên hợp thể thao quốc gia (gồm sân vận động trung tâm và cung thể thao dưới nước) đã hoàn thành và phục vụ SEA Games 31.
Những phàn nàn gần đây về sự xuống cấp liên quan đến mặt sân, mặt cỏ thi đấu, hạng mục này được đầu tư cải tạo vào năm 2012, đến nay đã hơn 10 năm. Việc chăm sóc, duy tu bảo dưỡng mặt cỏ đòi hỏi kinh phí lớn, thường xuyên và cũng chịu ảnh hưởng một phần do yếu tố thời tiết.
* Để chuẩn bị cho SEA Games 31, Chính phủ đã chi hơn 400 tỉ đồng để sửa chữa, cải tạo sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, sau một thời gian sân lại xuống cấp từ mặt cỏ, phòng dột... Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
- Trước hết, việc cải tạo sân Mỹ Đình nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp cả Khu liên hợp thể thao quốc gia phục vụ việc tổ chức SEA Games 31. Kinh phí chủ yếu dành cho việc mua sắm các trang thiết bị, hệ thống kỹ thuật phục vụ việc thi đấu. Các hạng mục được cải tạo nâng cấp tại sân Mỹ Đình bao gồm một số phòng chức năng như phòng thay đồ, phòng họp báo, hệ thống các thiết bị điện tử cũng như các dụng cụ thi đấu...
Với tinh thần tổ chức SEA Games tiết kiệm, không xây mới các công trình mà chỉ chủ yếu chỉnh trang, cải tạo lại cơ sở vật chất cũ nên không đưa được toàn bộ các hạng mục công trình vào để sửa chữa, nâng cấp. Dự án này không bao gồm mặt cỏ của sân Mỹ Đình. Với khán đài chỉ thay mới một số ghế ở khu vực VIP, còn lại ghế ở các khán đài đều là ghế cũ.
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế hợp tác công tư
* Kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2021 đã nêu ra rất nhiều sai phạm của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, trong đó có cả việc nhập cỏ trên mặt sân, thi công, sử dụng sai mục đích, quản lý đất đai, nợ thuế tính đến hết năm 2022 là hơn 1.000 tỉ đồng... Đến nay những vấn đề này đã được bộ chỉ đạo xử lý như thế nào?
- Bộ coi đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc quản lý, vận hành Khu liên hợp nói riêng và các công trình văn hóa, thể thao do bộ quản lý nói chung. Bộ cũng đã chỉ đạo Khu liên hợp và các đơn vị có liên quan hoàn thành việc chấn chỉnh công tác quản lý và đang tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến xử lý kinh tế theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Việc khắc phục và đưa hoạt động của Khu liên hợp hiệu quả, đúng quy định của pháp luật là nhiệm vụ ưu tiên mà bộ đặt ra cho ngành thể thao.
* Ông nghĩ thế nào về việc xem xét cho tư nhân tham gia phối hợp quản lý sân Mỹ Đình?
- Khu liên hợp hiện nay là đơn vị tự chủ hoàn toàn chi phí. Thực hiện kết luận 106 của Thanh tra Chính phủ, hiện Khu liên hợp không thực hiện ký các hợp đồng cho thuê, liên doanh liên kết nên không có nguồn thu nào. Những khó khăn của Khu liên hợp cũng là khó khăn chung đối với các đơn vị tự chủ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao của bộ. Các địa phương cũng gặp khó khăn tương tự trong việc duy trì và hoạt động một cách hiệu quả đối với các thiết chế văn hóa, thể thao kể cả đối với những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
Luật đầu tư chưa đề cập tới hình thức hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Vì vậy, chúng ta thiếu cơ chế để huy động được các nguồn lực trong xã hội đầu tư cho lĩnh vực này. Hiện bộ đang khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, xin ý kiến các bộ ngành có liên quan báo cáo Chính phủ để sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định để tạo điều kiện thu hút các nguồn lực xã hội tham gia quản lý, khai thác các công trình văn hóa, thể thao.
No comments